Trẻ nhỏ rất hay bị bệnh do hệ miễn dịch còn non nớt, tuy nhiên, nếu biết cách tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bạn cũng không cần bận tâm nhiều đến nỗi lo này.
Vào các mùa bùng phát bệnh trong năm, bé yêu thường xuyên mắc một số bệnh liên quan đến hô hấp như ho hen, sổ mũi, cảm lạnh, sốt, đau họng… Chính vì vậy, bạn cần phải tăng sức đề kháng để bảo vệ, ngăn ngừa các tác nhân xâm hại đến cơ thể non nớt của trẻ. Những tác nhân này có thể là do vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng… khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng có dịp phát triển và hoành hành làm cho sức đề kháng của trẻ bị suy giảm. Làm thế nào để tăng sức đề kháng cho trẻ? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm nhé.
1. Duy trì chế độ ăn khoa học
Theo các chuyên gia, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bạn chú ý bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất bằng cách cho trẻ ăn nhiều trái cây và rau quả tươi. Với một chế độ ăn cân bằng, khoa học, bạn sẽ không cần phải cho trẻ uống bất cứ loại thuốc bổ sung vitamin nào khác.
Cà rốt, đậu xanh, cam, dâu tây… là những thực phẩm có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ như vitamin C và caroten. Các chất dinh dưỡng này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào bạch cầu và interferon, loại kháng thể có thể bao phủ bề mặt của tế bào, giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, trẻ nhỏ ăn nhiều rau xanh và trái cây còn giảm nguy cơ bị ung thư khi lớn lên. Chính vì vậy, mỗi ngày, bạn nên cố gắng cho bé ăn khoảng 5 phần hoa quả và rau xanh.
2. Chăm sóc sức khỏe đường ruột
Bạn nên chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe đường ruột cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều các loại thực phẩm chứa probiotics. Probiotics là vi khuẩn tốt trong đường ruột, giúp giữ cho những vi khuẩn xấu không làm tổn hại đến cơ thể. Các nhà nghiên cứu cho rằng vi khuẩn tốt có tác động tích cực lên hệ miễn dịch và thậm chí có thể điều chỉnh phản ứng miễn dịch thông qua hệ miễn dịch niêm mạc ruột. Do đó, bạn nên thường xuyên cung cấp thực phẩm giàu chất probiotics như sữa chua, bơ hoặc bắp cải muối chua… vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ.
3. Vận động thường xuyên
Việc vận động rất tốt cho sức khỏe cho trẻ nhỏ, do đó, bạn cần khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày thay vì cứ dành thời gian “dán mắt” vào màn hình để xem ti vi, chơi trò chơi… Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh tập thể dục rất quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể bởi việc làm này sẽ giúp cơ thể sản xuất một chất chống viêm tự nhiên. Ngoài ra, nó còn giúp:
- Loại bỏ vi khuẩn có thể có trong đường hô hấp, giảm nguy cơ bị cảm lạnh hoặc cúm
- Giúp các tế bào bạch cầu lưu thông nhanh hơn, từ đó phát hiện và chống lại bệnh tật hiệu quả
- Ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn xấu
- Hạn chế giải phóng các hormone căng thẳng.
Mỗi ngày, hãy khuyến khích trẻ vận động khoảng 30 phút mỗi lần, 5 lần/tuần, bạn sẽ thấy sức khỏe của trẻ được cải thiện rõ rệt.
4. Đừng quên uống nước
Mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng chất, làm giảm khả năng miễn dịch khiến cơ thể khó đánh bại các loại vi khuẩn, virus đang tìm cách xâm nhập vào cơ thể. Để tránh tình trạng này, bạn cần nhắc nhở trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Nước giúp oxy hóa máu dễ dàng hơn trong cơ thể, giúp các tế bào hoạt động hết công suất. Những tế bào khỏe mạnh chứa đầy oxy sẽ giúp cơ thể của bé luôn khỏe mạnh, hình thành khả năng miễn dịch vượt trội chống lại “kẻ thù” xâm nhập từ bên ngoài. Không những vậy, việc uống nhiều nước còn giúp thận đào thải sạch các độc tố thông qua việc bài tiết nước tiểu, não cũng được tăng cường trao đổi chất, lưu thông dịch não tủy.
5. Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sinh lý học châu Âu 2012 của Pflügers, giấc ngủ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ miễn dịch của trẻ. Ngủ là lúc mà cơ thể nghỉ ngơi và tự hồi phục, nếu trẻ không ngủ đủ giấc hoặc ngủ không ngon, cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể sẽ bị suy yếu. Không những vậy, tình trạng thiếu ngủ còn khiến các tế bào xung kích tự nhiên (vũ khí của hệ miễn dịch có tác dụng tấn công vi khuẩn và tế bào ung thư) bị giảm dần đi. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách tốt nhất, bạn cần:
- Duy trì một thời gian biểu đi ngủ – thức dậy đều đặn mỗi ngày, ngay cả những ngày cuối tuần
- Duy trì những thói quen tốt trước khi đi ngủ như tắm nước ấm, đọc sách, hát ru…
- Không cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử ít nhất nửa giờ trước khi đi ngủ
- Tạo không gian ngủ yên tĩnh.
6. Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch
Để nâng cao sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, bạn có thể cân nhắc tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của gia đình nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, đặc biệt là mũi vắc xin phòng bệnh cúm mùa. Việc tiêm vắc xin kích thích cơ chế tự vệ tự nhiên của cơ thể nhằm tăng sức đề kháng để chống lại bệnh nhanh và hiệu quả hơn.
7. Tránh xa khói thuốc, bụi bẩn ô nhiễm
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, khói thuốc có chứa đến hơn 4.000 độc tố mà hầu hết trong số đó có thể gây kích ứng hoặc tiêu diệt các tế bào trong cơ thể. Do hệ miễn dịch còn non nớt nên khi tiếp xúc với khói thuốc, trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người lớn.
Những trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ bị đột tử (SIDS), viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn. Ngoài ra, việc hít phải khói thuốc còn có thể ảnh hưởng đến trí thông minh và sự phát triển thần kinh. Chính vì vậy, để giúp con có một sức khỏe tốt, nếu đang hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc ngay hôm nay và giữ trẻ tránh xa những nơi có nhiều khói thuốc.
8. Giữ vệ sinh tay – “Vắc xin phòng bệnh” hiệu quả
Việc giữ vệ sinh tay mặc dù không giúp tăng cường hệ miễn dịch từ bên trong nhưng đây là biện pháp đảm bảo rằng trẻ sẽ ít bị cảm lạnh hoặc cúm hơn, từ đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ ít bị tổn hại. Theo các chuyên gia về y tế, trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi sinh vật gây hại, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng… Vệ sinh tay được coi là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả về chi phí có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác đơn giản là rửa tay với xà phòng diệt khuẩn đã có thể giúp giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 – 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
Chính vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả cho các thành viên trong gia đình, bạn cần chú ý đến việc rửa tay của cả người lớn và trẻ nhỏ, đặc biệt là trước khi ăn và sau đi vệ sinh.
Ngân Phạm / HELLO BACSI
Tác giả: admin