1. Sự khác biệt về đặc điểm giải phẫu và sinh lý ống tiêu hóa ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi
Sự khác biệt của khoang miệng
Khoang miệng của trẻ thường nhỏ, niêm mạc mỏng
- Miệng của trẻ bú mẹ có đặc điểm khác với người lớn như xương hàm trên phát triển kém, cục mỡ Bi chat tương đối lớn, lợi có nhiều nếp nhăn, cơ môi phát triển mạnh và lưỡi tương đối dày và rộng, có nhiều nang tân và gai lưỡi giúp khoang miệng và lưỡi hoạt động như một pít tông phục vụ cho động tác mút bú của trẻ
- Niêm mạc miệng của trẻ mỏng, mềm mại, có nhiều mao mạch, nhưng tuyến nước bọt phát triển hoàn toàn khi trẻ được 3 – 4 tháng tuổi, do vậy trong mấy tháng đầu sau đẻ niêm mạc miệng của trẻ thường khô, dễ tổn thương niêm mạc miệng lợi và nấm Candida albicance dễ phát triển gây hiện tượng tưa miệng.
- Ở trẻ sơ sinh, thường thấy những hạt màu trắng hoặc vàng nhạt to gần bằng hạt đỗ xanh, mật độ cứng (hạch Bonneur, dân gian hay gọi là nanh), nằm dọc hai bên đường giữa vòm miệng là các nang chứa dịch hoặc những tế bào bong ra của tuyến niêm dịch, chúng sẽ tự mất đi trong những tuần đầu.
- Trẻ 4 – 6 tháng thường có hiện tượng chảy nước bọt sinh lý, do mầm răng kích thích vào dây thần kinh V và một phần do trẻ chưa biết nuốt nước bọt. Trong nước bọt có các men tiêu hoá tinh bột: amylase, mantase và hoạt tính của các men trong nước bọt tăng dần theo tuổi.
- Khi mới sinh ra trẻ chưa có răng. Răng sữa bắt đầu mọc từ tháng thứ 4 – 6 và kết thúc vào tháng 24 – 30, khi đó trẻ mọc đủ 20 răng sữa. .
Sự khác biệt của dạ dày
Dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang
- Hình thái và chức năng dạ dày ở trẻ em có nhiều biến đổi trong quá trình phát triển của trẻ. Khi mới sinh, dạ dày của trẻ hình tròn, nằm cao và ngang. Cơ dạ dày của trẻ nhỏ phát triển yếu, nhất là cơ thắt tâm vị, dạ dày dễ bị biến dạng sau ăn trong khi cơ thắt môn vị phát triển khá tốt và đóng chặt nên trẻ rất dễ nôn trớ sau khi ăn đặc biệt trong 6 tháng đầu đời.
- Dạ dày của trẻ bài tiết dịch vị như người lớn nhưng hàm lượng acid chlohydric, độ toan và các men tiêu hóa có nồng độ thấp hơn. Dịch vị của trẻ gồm các men: Pepsin, Labferment, Catepsin, Lipase để tiêu đạm và mỡ. Sự bài tiết các men này phụ thuộc nhiều vào tình trạng sức khoẻ của trẻ.
Sự khác biệt tại ruột
- So với người lớn, ruột của trẻ em tương đối dài. Niêm mạc ruột có nhiều nếp nhăn, vi nhung mao và mạch máu nên trẻ dễ hấp thu các chất dinh dưỡng nhưng sự kết nối giữa các tế bào biểu mô ruột lỏng lẻo nên dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây các bệnh lý rối loạn tiêu hóa. Khi trẻ mắc một số bệnh như suy dinh dưỡng, còi xương hay tiêu chảy chảy kéo dài, trương lực cơ ruột của trẻ bị giảm nên sẽ có xu hướng dài ra.
- Mạc treo ruột của trẻ em dài, manh tràng ngắn dễ di động nên trẻ dễ bị xoắn ruột.
- Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi vị trí ruột thừa không cố định, ruột thừa thường nằm sau manh tràng nên chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ em khó khăn.
- Trực tràng của trẻ em dài, cơ yếu và niêm mạc lỏng lẻo nên dễ bị sa trực tràng khi ho nhiều, rặn nhiều.
Sự khác biệt ở những cơ quan khác thuộc hệ tiêu hóa
- Thức ăn được tiêu hoá ở ruột nhờ tác dụng của các men trong dịch ruột, dịch tụy, mật tuy nhiên hàm lượng các men này ở trẻ em đều thấp hơn người lớn nên trẻ dễ bị rối loạn tiêu hoá và kém hấp thu khi mắc bệnh.
- Chức năng gan ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, dễ có phản ứng khi trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm độc và dễ bị thoái hoá mỡ.
2. Với trẻ trên 1 tuổi
- Cấu trúc khoang miệng gần hoàn chỉnh. Khi trẻ 6 tuổi, răng vĩnh viễn bắt đầu mọc và thay thế dần răng sữa
- Thay vì nằm ngang như lúc sơ sinh, dạ dày trẻ bắt đầu đứng dọc từ khi trẻ biết đi. Dạ dày lúc này có hình dài thuôn thuôn.
- Trẻ nhỏ do các cơ của dạ dày còn yếu nhất là cơ tâm vị và môn vị nên trẻ thương hay nôn trớ. Các tuyến tiết dịch tiêu hóa cũng phát triển ít do vậy hệ tiêu hóa bé kém hấp thu hơn. Tuy nhiên từ sau 2 tuổi phần lớn các cấu trúc của dạ dày phát triển và trở nên hoàn thiện hơn, gần giống với người lớn.
- Sau 7 tuổi trở, hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện và gần như tương đồng với người trưởng thành cả về giải phẫu lẫn sinh lý, đặc biệt là hệ vi sinh vật đường ruột.
3. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ phù hợp theo sự phát triển và hoàn thiện của hệ tiêu hóa
Trẻ dưới 6 tháng tuổi
Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời
- Cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau đẻ trong vòng 1 giờ. Bà mẹ nên bắt đầu cho con bú sớm để kích thích sữa bài tiết. Sữa non giúp trẻ phòng chống các nhiễm khuẩn thời kỳ sơ sinh, trẻ thải phân nhanh và đỡ vàng da sau sinh.
- Cách thức cho trẻ bú sẽ quyết định việc trẻ có bú đủ lượng cần thiết hay không. Cho trẻ bú theo đúng nhu cầu và dung tích của dạ dày trẻ. Nên cho trẻ bú kiệt một bên vú trước khi chuyển sang vú bên kia để trẻ nhận được sữa cuối giàu chất béo.
- Quan trọng là trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ đáp ứng đủ nhu cầu nước và các chất dinh dưỡng, không cần cho trẻ ăn thêm bất kỳ thức ăn, nước uống nào khác (kể cả nước trắng).
- Mẹ cũng nên lưu ý hệ tiêu hóa ở trẻ bú sữa ngoài thường kém hơn trẻ được bú sữa mẹ rất nhiều và nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa cũng theo đó mà cao hơn.
Trẻ từ 6 tháng đến 24 tháng tuổi
– Đối với trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi thì sữa mẹ vẫn là nguồn thức ăn chủ yếu và cần thiết, đáp ứng được phần lớn nhu cầu năng lượng của trẻ. Vì vậy, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi và bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng tuổi.
– Chế độ ăn bổ sung của trẻ cần bù đắp được sự thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng (protein, sắt, vitamin A…). Thời gian bắt đầu ăn bổ sung là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày hoặc 26 tuần tuổi) vì ở lứa tuổi này trẻ có được sự hứng thú với ăn uống, răng cũng bắt đầu mọc. Trẻ biết sử dụng lưỡi đảo thức ăn trong miệng và sử dụng hàm để nhai thức ăn. Đồng thời lúc này hệ tiêu hóa bắt đầu có khả năng tiêu hóa thức ăn đặc.
– Thức ăn bổ sung cần đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của thể chất, tinh thần, trí não của trẻ. Chế độ ăn cần có đủ 4 nhóm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
– Số bữa ăn và số lượng mỗi bữa tăng dần theo tháng tuổi để phù hợp với dung tích dạ dày của trẻ.
– Cũng cần cho trẻ uống thêm nước, trung bình 100 – 150ml/ngày kể cả lượng nước có trong thức ăn. Vì vậy, cần chú ý cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội khoảng 400 – 600ml/ngày.
Tác giả: admin