Các em học sinh trở lại trường để bắt đầu một năm học mới, kèm theo đó là những nguy cơ về tai nạn thương tích có thể xảy ra tại trường học, đặc biệt là học sinh tuổi mầm non, mẫu giáo và tiểu học. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hại.
Các em học sinh trở lại trường để bắt đầu một năm học mới, kèm theo đó là những nguy cơ về tai nạn thương tích có thể xảy ra tại trường học, đặc biệt là học sinh tuổi mầm non, mẫu giáo và tiểu học. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hại.
Thực trạng tình hình tai nạn thương tích
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900 ngàn trẻ em và trẻ vị thành niên thuộc tuổi học sinh bị tử vong do tai nạn thương tích (TNTT), trong đó có 90% bị TNTT bất ngờ không chủ ý. Các TNTT này xảy ra ngay ở trường học hoặc trên đường đến trường.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cũng có hơn 370 ngàn trẻ em là học sinh bị TNTT, trong đó những trường hợp bị té ngã từ trên cao, đuối nước, tai nạn giao thông... là các tình huống thường gặp.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là do học sinh thiếu kỹ năng bảo vệ. Cha mẹ học sinh, người lớn, thầy cô giáo bất cẩn, không thận trọng trong việc chăm sóc. Môi trường sống ở gia đình và học tập tại trường học không bảo đảm an toàn... Thực tế một số TNTT xảy ra đã gây nhiều lo lắng cho phụ huynh như các trường hợp học sinh bị ngã rơi từ tầng cao, bị bút chì đâm thủng mông do ngồi xuống ghế trong lớp học, nuốt những viên bi nam châm gây tắc ruột, hóc dị vật ở đường hô hấp...
TNTT rất dễ xảy ra đối với học sinh vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm nhưng chưa có nhiều kỹ năng để phòng tránh. Phần lớn các trường hợp TNTT gặp phải thuộc loại không chủ định như tai nạn giao thông, đuối nước, té ngã, ngộ độc thức ăn, cháy bỏng...
Biện pháp phòng ngừa
Tại trường học, các tai nạn thương tích nghiêm trọng có thể phòng tránh được cho học sinh nếu thầy cô giáo, nhà trường, cha mẹ và các em có ý thức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp cần thiết như phòng ngừa té ngã, bạo lực đánh nhau, tai nạn giao thông khi đến trường và về nhà, bỏng và nhiễm độc, đuối nước, điện giật, ngộ độc thức ăn...
Phòng ngừa té ngã: Được thực hiện bằng cách củng cố cơ sở vật chất của trường học như sân trường phải bằng phẳng và không bị trơn trượt; cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn và lan can bảo vệ; các bàn ghế hỏng, xiêu vẹo, không chắc chắn cần phải được sửa chữa hoặc thay thế ngay; dụng cụ luyện tập thể dục thể thao phải chắc chắn, bảo đảm an toàn. Không cho học sinh học và chơi ở gần những lớp học không an toàn như tường vách, mái nhà có nguy cơ sập đổ; đồng thời phải cho sửa chữa, xây dựng lại ngay. Những cây ở sân trường cần có bồn rào để ngăn chặn học sinh leo trèo gây té ngã nguy hiểm. Vào giờ chơi hay đi dã ngoại phải hướng dẫn cho học sinh chơi đúng nơi quy định hay ở trong khu vực bảo đảm an toàn.
Phòng ngừa bạo lực đánh nhau: Thầy cô giáo và nhà trường phải giáo dục ý thức đầy đủ cho các em học sinh không được xô đẩy, gây gổ, có hành động bạo lực, đánh nhau trong trường... Nghiêm cấm học sinh mang đến trường những vật liệu sắc nhọn có thể gây nguy hiểm như dao kiếm, súng bắn đạn cao su và các hung khí gây sát thương khác... Cần thường xuyên quản lý, giám sát học sinh mọi lúc, mọi nơi; tổ chức xây dựng lớp học tự quản, đoàn kết, thân thiện...
Phòng ngừa tai nạn giao thông: Cần phải giáo dục ý thức bảo đảm an toàn cho học sinh khi từ nhà đến trường và trở về nhà trong quá trình đi học để phòng ngừa tai nạn giao thông. Trường học phải có cổng trường và hệ thống hàng rào bảo vệ, trong giờ ra chơi phải đóng cổng trường, không cho học sinh chạy ra ngoài đường chơi khi trường ở sát gần đường giao thông. Phải có các biển báo trường học đặt ở vị trí ngoài đường để cảnh báo các phương tiện cơ giới giao thông thận trọng khi đi qua khu vực gần trường học. Khuyến cáo phụ huynh học sinh và giáo viên không được đi xe máy trong sân trường. Tổ chức các buổi tập huấn ngoại khóa, hướng dẫn cho học sinh hiểu biết và thực hiện luật an toàn giao thông, nhận biết các loại biển báo giao thông quy định trên đường đi học và về nhà.
Phòng ngừa bỏng và nhiễm độc: Ở các phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng khác phải có bảng nội quy hướng dẫn sử dụng những dụng cụ, thiết bị để bảo đảm an toàn hóa chất, an toàn điện... Bảng điện phải lắp đặt ở vị trí cao ngoài tầm tay với của học sinh còn nhỏ. Tuyệt đối không để bàn là, đồ đun nấu trong phòng học. Không cho học sinh đến khu vực nhà bếp và chia suất ăn cho học sinh ở nhà ăn. Chú ý quan tâm đến việc chăm sóc học sinh còn nhỏ, không để trẻ tự chơi một mình ở những nơi có thể xảy ra TNTT gây cháy bỏng và nhiễm độc hóa chất. Phải để thuốc và hóa chất ngoài tầm với của học sinh nhỏ và không nên cho học sinh nhỏ tự uống thuốc.
Phòng ngừa đuối nước: Lưu ý nếu trường học ở gần ao, hồ, sông, suối, vực nước hay hố nước sâu quanh trường... phải có hàng rào ngăn cách để bảo đảm an toàn; phải dặn dò học sinh thận trọng không được đến gần các khu vực có hàng rào cấm vì có thể gây nguy hiểm. Ở vùng lũ lụt, học sinh phải đi học bằng ghe, thuyền phải bảo đảm an toàn khi di chuyển đến trường và về nhà, phải có người lớn đưa đi và đón về; khi đi đò, thuyền phải mặc áo phao bảo hộ. Giếng nước, bể nước, ao nước hoặc hố nước nhỏ ở trong sân trường phải có nắp đậy an toàn; căn dặn học sinh không được đến các vị trí này để chơi đùa. Không được để thùng, chậu chứa nước trong phòng học của học sinh nhỏ. Nên rèn luyện, tập cho học sinh kỹ năng bơi lội; khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn và sự giám sát của người lớn. Cần trang bị kiến thức cần thiết cho nhân viên y tế, thầy cô giáo, học sinh trường hợp xử trí cấp cứu ban đầu khi phát hiện học sinh bị đuối nước.
Phòng ngừa điện giật: Hệ thống điện trong lớp học phải được thiết kế và lắp đặt an toàn, không được để dây điện trần hoặc dây điện bị hở; bảng điện phải để ở vị trí cao ngoài tầm với của học sinh mầm non, mẫu giáo và tiểu học. Luôn luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện để thấp để không cho học sinh nghịch. Dụng cụ điện ở phòng thí nghiệm phải kiểm tra bảo đảm an toàn trước khi cho học sinh học giờ thực hành.
Phòng ngừa ngộ độc thức ăn: Nước cho học sinh uống ở trường phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Khuyến cáo học sinh không được ăn uống các loại thực phẩm lề đường, vỉa hè, hàng rong, nhất là những loại hàng rong trước cổng trường... vì chúng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thức ăn do không bảo đảm vệ sinh và không rõ ràng về xuất xứ nguồn gốc của thực phẩm. Bếp ăn và nhà ăn tập thể của học sinh phải bảo đảm an toàn vệ sinh, thực phẩm cung cấp phải có nguồn gốc, có hợp đồng cam kết chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, trường học phải có nhân viên y tế theo dõi về y tế học đường và có tủ thuốc cấp cứu cần thiết để xử trí sơ cứu ban đầu những trường hợp TNTT xảy ra đối với học sinh trước khi chuyển đến bệnh viện.
Tại trường học, ngoài những TNTT đã nêu ở trên, thực tế còn có thể có nhiều nguy cơ dẫn đến các TNTT khác không lường trước được. Vì vậy cách phòng ngừa tốt nhất là các thầy cô giáo và nhà trường cần có sự quan tâm chú ý đến học sinh của mình, đặc biệt là học sinh còn nhỏ thuộc tuổi mầm non, mẫu giáo, tiểu học vì chỉ cần một phút lơ là, thiếu sự giám sát và tập trung sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hại. Học sinh phải được sống trong một cộng đồng an toàn bao gồm ngôi nhà an toàn khi ở nhà, trường học an toàn khi đến lớp và xã hội an toàn khi ra đường.
Tác giả: BS. Nguyễn Trâm Anh - https://suckhoedoisong.vn/