Tìm hiểu bệnh rôm sảy ở trẻ em
- Vì sao trời nắng nóng trẻ dễ bị rôm sảy?
Mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều bệnh, đặc biệt, ở trẻ em rất dễ mắc các bệnh ngoài da, thường gặp nhất là rôm, sảy. Rôm, sảy là đối tượng chính của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Việc tắc nghẽn có thể do:
– Các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên mồ hôi không có đường thoát ra ngoài. Thường xảy ra khi thời tiết nóng, nhưng đôi khi cũng do trẻ được cho mặc quần áo không thấm hút mồ hôi hoặc thường xuyên mặc tã, hoặc mặc tã quá chật.
– Khi trẻ bị sốt cao; hoặc trẻ quá hiếu động; cơ thể sẽ tăng cường hoạt động nên các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ thể cũng tăng hoạt động để thải nhiệt. Các chất bẩn trên da làm cho tuyến mồ hôi của bé bị tắc, tạo ra những mụn rôm, sảy.
– Một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
- Biểu hiện của rôm sẩy như thế nào? Có điểm gì đặc biệt so với các bệnh ngoài da khác?
Rôm sảy chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, bẹn. Biểu hiện là các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ có thể gây ngứa cho trẻ. Thông thường rôm sảy có thể tự khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp mụn rôm sảy làm trẻ ngứa, gãi nhiều khiến da sây sát, nhiễm khuẩn tạo thành những mụn mủ và nhọt.
Biểu hiện của rôm sảy.
- Khi trẻ bị rôm sảy, thì phải xử trí như thế nào?
– Khi bị rôm sảy, trẻ ngứa ngáy khó chịu nên rất hay quấy khóc. Cho trẻ mặc quần áo vải cotton mềm, thoáng, rộng. Tắm cho trẻ mỗi ngày, lau sạch các vùng kẽ như nách, bẹn để da sạch sẽ, mồ hôi được bài tiết dễ dàng. Sau khi tắm, lau khô trẻ bằng khăn tắm mềm, mịn, chất liệu cotton thấm hút tốt và không chà mạnh lên da trẻ.
– Nhiều phụ huynh thường vò một số loại lá để tắm cho con khi con bị sảy. Theo các bác sĩ nhi khoa, cần hết sức thận trọng khi sử dụng các loại lá này. Trước tiên, trên bề mặt lá có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, thậm chí có thể có thuốc bảo vệ thực vật, rất khó rửa sạch nên có thể ảnh hưởng đến làn da của trẻ; vốn mềm mại và nhạy cảm, gây viêm da, nhiễm trùng. Hơn nữa, một số loại lá có vị chát (chất tanin) dễ làm cho da em bé bị tổn thương.
– Tuyệt đối không sử dụng phấn rôm bôi lên chỗ rôm sảy, càng làm các lỗ chân lông bị bít lại, gây nhiễm khuẩn.
– Quần áo của bé phải được giặt sạch và được phơi ở nơi không có bụi khói. Cắt ngắn móng tay, móng chân cho trẻ để tránh khi bị ngứa trẻ gãi làm nhiễm khuẩn da.
Cho bé uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi để bù lượng nước đã mất trong quá trình thải nhiệt và giúp thải nhiệt tốt, trái cây tươi sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng.
- Cách điều trị rôm sẩy cho trẻ
– Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, sảy tự lặn hết, không gây tác hại gì. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mụn sảy làm trẻ ngứa, gãi nhiều khiến da sây sát, bị nhiễm khuẩn tạo mụn mủ và nhọt.
– Cần đưa trẻ đi khám bệnh khi bị rôm sảy kéo dài hay có các dấu hiệu bội nhiễm.
- Cần làm gì để trẻ không bị rôm sảy trong mùa nắng?
– Không nên ủ bé quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo cho bé.
– Hạn chế cho trẻ ngoài hay chơi đùa khi thời tiết nắng nóng
– Luôn giữ cho da trẻ được khô ráo và sạch sẽ. Tắm hàng ngày, uống đủ nước.
– Mặc cho trẻ các các loại quần áo làm bằng chất liệu mát mẻ và thấm hút tốt.
– Không nên thoa quá nhiều kem hay phấn lên da trẻ vì sẽ bịt các lỗ chân lông, dễ khiến trẻ dễ bị nổi sảy hơn.