Năm học mới 2019 - 2020, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các trường học tiếp tục được siết chặt. Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đầu vào, chỉ hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm đủ điều kiện ATTP theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự giám sát.
Năm học mới 2019 - 2020, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các trường học tiếp tục được siết chặt. Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đầu vào, chỉ hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm đủ điều kiện ATTP theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự giám sát.
Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố, hiện tại Hà Nội đang quản lý hơn 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có hơn 1.600 trường học có bếp ăn bán trú. Trong những năm qua, công tác quản lý ATTP các bếp ăn tập thể tại trường học đã được chú trọng, quan tâm đặc biệt.
Cụ thể, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối thực phẩm và việc bảo đảm ATTP trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường học.
Hầu hết các bếp ăn tập thể trong trường học đáp ứng các quy định về ATTP như: Thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất, dụng cụ chứa đựng, thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến thức ăn, thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định… của Bộ Y tế.
Công tác bán trú đang từng bước tạo sự yên tâm tin tưởng với cha mẹ học sinh góp phần đảm bảo an sinh xã hội của Thành phố có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có nơi, có chỗ, công tác bảo đảm ATTP trong trường học chưa chặt chẽ, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn lỏng lẻo.
Bởi vậy, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, nhằm phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, đối với các trường học có bếp ăn bán trú, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm ngay từ đầu vào. Trong đó, các nhà trường phải bảo đảm có đủ nguồn nước sạch để chế biến thực phẩm và phải ký hợp đồng mua thịt, cá, rau, sữa, đậu... của những cơ sở đáng tin cậy, biết rõ nguồn gốc, địa chỉ nơi cung cấp thực phẩm.
Đặc biệt, các loại thực phẩm như: Thịt lợn, thịt gà… phải tuân thủ việc kiểm tra thú y; tuyệt đối không dùng các loại phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất ngọt tổng hợp không có trong danh mục được Bộ Y tế cho phép vào chế biến, nấu nướng….
Trong năm học 2019-2020, các trường phải tăng cường vai trò giám sát của phụ huynh, thường xuyên tạo điều kiện, phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh thực hiện kiểm tra chất lượng bữa ăn trường học. Về phía phụ huynh cũng cần chủ động yêu cầu tham gia hoạt động này để kịp thời phát hiện những nghi ngờ liên quan đến thực phẩm trong trường học.
Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học. Việc thanh tra, kiểm tra sẽ có sự phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh các nhà trường. Nếu phát hiện chất lượng bữa ăn không bảo đảm, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước phụ huynh và cơ quan quản lý ATTP trường học.
Còn ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho hay, để phụ huynh tham gia giám sát ATTP tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Việc không có chuyên môn, không có công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng.
Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không.
Bên cạnh đó, các trường học cần chủ động công khai thực đơn thực phẩm trên Website hoặc Cổng thông tin điện tử của trường, công khai các đơn vị được lựa chọn cung ứng thực phẩm. “Một yếu tố cũng rất quan trọng, đó là sự phân công, phân cấp và phối hợp giữa các Sở, ngành và UBND quận huyện, xã, phường trong việc quản lý các bếp ăn trường học đã có hiệu quả. Cũng như, công tác thanh kiểm tra từng bước được đẩy mạnh, đã chủ động giám sát, xét nghiệm và cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn…”- Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm.
Với quyết tâm, nỗ lực của lực lượng chức năng, ý thức về ATTP của các nhà trường ngày càng được nâng cao và cùng với sự chung tay của phụ huynh, hy vọng chất lượng và vệ sinh ATTP bữa ăn học đường sẽ tiếp tục được nâng lên.