Tuyến đầu chống dịch miền Bắc vào chi viện cho miền Trung ruột thịt
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Đà Nẵng, nhất là ở nhóm bệnh nhân nặng, Bộ Y tế đã chỉ đạo BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào chi viện nhân lực hỗ trợ cho miền Trung chống dịch COVID-19.
Theo đó, trước mắt, 2 chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc chuyên môn của bệnh viện và một bác sĩ khoa Hồi sức tích cực sẽ vào "tâm dịch" để đánh giá tình hình, từ đó sẽ có phương án điều chuyển nhân lực phù hợp vào hỗ trợ.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị, cách ly rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo mới được đón về nước ngày 29/7 vừa qua.
Các chuyên gia nhận định, diễn biến dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang rất phức tạp. Tính đến 18h00 giờ ngày 03/8/2020, cả nước ghi nhận 642 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 324 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), 06 trường hợp tử vong.
Từ ngày 25/7/2020 đến nay đã có 227 trường hợp, trong đó có 195 trường hợp lây nhiễm trong nước tại tại 09 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (136), Quảng Nam (40), Đắk Lắk (03), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (03), Hà Nội (2), Thái Bình (01), Đồng Nai (01), Hà Nam (01).
Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng. Trong đó 06 trường hợp tử vong: TP. Đà Nẵng ghi nhận 05 trường hợp (BN428, BN437, BN499, BN475, BN429), Quảng Nam ghi nhận 01 trường hợp (BN524), đây là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng.
Riêng ngày 03/8/2020, ghi nhận 22 trường hợp mắc mới gồm 22 ca lây nhiễm trong nước liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng: Đà Nẵng (15); Quảng Ngãi (01), Quảng Nam (6).
Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch là 13 trường hợp, trong đó điều trị tại BV Trung ương Huế 7 ca, điều trị tại BV Đà Nẵng 6 ca. Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO, trong khi trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.
Nhận định về tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng, BS. Cấp cho rằng, có 3 yếu tố chính khiến diễn biến dịch COVID-19 ở Đà Nẵng trở nên nguy hiểm:
Thứ nhất là dịch đã lây lan trong cộng đồng. Theo các chuyên gia, dịch bệnh tại Đà Nẵng xuất hiện từ tháng 7 đến nay đã trải qua 4-5 chu kì lây nhiễm. Tại Đà Nẵng khả năng có nhiều nguồn lây khác nhau do đó việc truy vết F0 là không khả thi. Bên cạnh đó, khả năng lây nhiễm ngoài cộng đồng là khá cao.
Thứ hai là dịch tác động vào nhóm bệnh nhân có sức đề kháng rất yếu là người cao tuổi có nhiều bệnh phối hợp như suy thận nặng, chạy thận nhân tạo, nhóm bệnh nhân nằm ở khoa Ung bướu, nhóm bệnh nhân khoa Hồi sức tích cực... Những bệnh nhân này nếu không mắc COVID-19 thì nguy cơ tử vong cũng đã rất cao. Do đó, khi không may bị lây nhiễm thì nguy cơ tử vong lại tăng lên rất nhiều.
Cuối cùng, theo BS. Cấp, chính là việc dịch đã tác động đến lực lượng y tế, với một số trường hợp điều dưỡng, bác sĩ mới đây đã được xác định bị lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW nhấn mạnh: “Nếu xu hướng này không được kiểm soát tốt thì việc y, bác sĩ bị nhiễm bệnh ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân”.
Quyết liệt chống dịch, "chia lửa" với miền Trung ruột thịt
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tiếp tục triển khai hoạt động Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp chỉ đạo, điều hành; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện truy vết các người đi/đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Về giám sát dịch bệnh : Bộ Y tế có Công điện đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Đồng Nai về việc tăng cường điều tra, xử lý ổ dịch trên địa bàn tỉnh; ban hành Thông báo khẩn số 22 của Bộ Y tế; đề nghị UBND tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tăng giá bất hợp lý tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân.
Về công tác xét nghiệm : Tính đến ngày 3/8/2020 trên cả nước đã thực hiện tổng số 493.481 xét nghiệm Realtime RT-PCR. Từ ngày 23/7 – 03/8, Đà Nẵng đã thực hiện 13.321 xét nghiệm (riêng ngày 03/8 xét nghiệm 1.140 mẫu); Hà Nội đã thực hiện 3.336 xét nghiệm (riêng ngày 03/8 xét nghiệm 106 mẫu) ; TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 19.382 xét nghiệm (riêng ngày 03/8 xét nghiệm 3.421 mẫu).
Về công tác điều trị: Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tiến hành hỗ trợ, giám sát việc lắp đặt cơ sở điều trị Covid-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng; kiểm tra khu cách ly tập trung Bầu Tràm, trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt Hàn. Đề nghị Bệnh viện C Đà Nẵng cử cán bộ y tế hỗ trợ TTYT huyện Hoà Vang. Giao nhiệm vụ cho BVĐK Trung ương Quảng Nam tiếp nhận người bệnh dương tính COVID-19. Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc kê đơn thuốc trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.
Về truyền thông : Bộ Y tế xây dựng Chương trình truyền thông về chùm ảnh nhịp sống trong các khu dân cư cách ly tại tâm dịch Đà Nẵng, đội tình nguyện cộng đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Xây dựng và chuyển tải tin nhắn trên điện thoại di động, các khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay và đăng tải khuyến cáo trên các nền tảng truyền thông.
Về hậu cần : Bộ Y tế tiếp nhận 50.000 test RT-PCR trị giá 20 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục huy động, cử cán bộ y tế từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cử đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cử chuyên gia về hồi sức tích cực đến hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, cán bộ xét nghiệm hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.